Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam là thủ tục hành chính được giải quyết tại Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cần phải nộp đơn đăng ký tới cơ quan này để nhận được văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng. Quá trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp giúp người đăng ký có quyền độc quyền sử dụng, sao chép, sản xuất và phân phối sản phẩm có kiểu dáng đã được đăng ký. Điều này đảm bảo rằng người đăng ký có quyền kiểm soát việc sử dụng kiểu dáng của họ và ngăn chặn việc sao chép trái phép hoặc sử dụng không đúng mục đích. Vậy thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như thế nào? Hãy cùng Luật Danh Tiếng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo Khoản 13 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022 (gọi tắt: “Luật SHTT“), kiểu dáng công nghiệp được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm hoăc bộ phận có thể được lắp ráp thành một sản phẩm phức hợp, được biểu diễn thông qua hình khối, các đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và có thể quan sát được trong quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 63 Luật SHTT quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng 03 điều kiện sau đây:
2.1. Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới
Theo quy định tại Điều 65 của Luật SHTT, tính mới của kiểu dáng công nghiệp được mô tả như sau:
- Kiểu dáng công nghiệp được xem là có tính mới nếu nó có sự khác biệt đáng kể so với những kiểu dáng công nghiệp đã được tiết lộ công khai dưới mọi hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ phương tiện nào khác, cả trong nước và quốc tế, trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu có.
- Hai kiểu dáng công nghiệp không được xem là khác biệt đáng kể nếu chúng chỉ khác biệt về các đặc điểm tạo dáng không dễ nhận biết, ghi nhớ và không thể sử dụng để phân biệt tổng thể giữa chúng.
- Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa tiết lộ công khai nếu chỉ một số người hạn chế được biết đến và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
- Kiểu dáng công nghiệp không mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau, với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
- Kiểu dáng công nghiệp được người khác công bố mà không được sự cho phép của người có quyền đăng ký theo quy định tại Điều 86 và Điều 86a của Luật SHTT;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 và Điều 86a của Luật SHTT công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 và Điều 86a của Luật SHTT trưng bày tại triển lãm quốc gia Việt Nam hoặc triển lãm quốc tế chính thức được công nhận.
2.2. Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo
Dựa trên quy định tại Điều 66 của Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được xem là có tính sáng tạo khi dựa vào các kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới mọi hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ phương tiện khác, cả trong nước và quốc tế, trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Trong trường hợp này, kiểu dáng công nghiệp không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với những người có kiến thức trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Việc tạo ra kiểu dáng một cách dễ dàng cũng có thể được thể hiện thông qua việc sáng tạo kiểu dáng từ các hoạt động như mô phỏng các hình dáng bên ngoài của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên; sử dụng các hình học cơ bản; sao chép hoàn toàn hoặc một phần hình dạng của các công trình nhân tạo.
2.3. Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp
Theo Điều 67 Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng chế tạo thành hàng loạt sản phẩm khác bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, từ đó đảm bảo tiêu chí về khả năng áp dụng công nghiệp.
Khả năng áp dụng công nghiệp là yếu tố quan trọng xác định điều kiện bảo hộ cho hình dạng bên ngoài của sản phẩm, liệu nó có được bảo hộ như là một kiểu dáng công nghiệp hay chỉ đơn thuần là tác phẩm mĩ thuật ứng dụng. Trong trường hợp kiểu dáng của sản phẩm chỉ mang tính chất thẩm mĩ và tạo ra một sản phẩm đẹp mắt, thì kiểu dáng đó chỉ dừng lại ở mức tồn tại làm tác phẩm nghệ thuật, được mọi người ngắm nhìn vẻ đẹp của nó. Ngược lại, kiểu dáng công nghiệp, như tên gọi của nó, yêu cầu khả năng có thể ứng dụng để tạo ra hàng loạt sản phẩm có hình dáng bề ngoài tương tự.
Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp có thể đặt ra những yêu cầu như:
- Kiểu dáng sản phẩm phải thể hiện hình dạng ổn định và không biến đổi theo tính chất của nguyên liệu hoặc môi trường xung quanh. Điều này tạo ra sự phân biệt giữa nhóm hàng hóa có hình dạng rõ ràng và những nhóm hàng hóa khác như chất lỏng, chất bột, mà thường không được thể hiện dưới hình dạng cụ thể (đặc biệt là không được thể hiện như một sản phẩm thông thường trên thị trường);
- Kiểu dáng sản phẩm phải có khả năng làm mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm có hình dáng tương tự, sử dụng cả phương pháp công nghiệp và thủ công nghiệp, mà không đòi hỏi kỹ năng hay kỹ thuật đặc biệt từ từng cá nhân hoặc yêu cầu tương tự.
3. Đối tượng có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mọi cá nhân và tổ chức đều được phép thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả cá nhân, tổ chức trong nước và cả những người, tổ chức đến từ các quốc gia khác.
Trong đó:
- Tác giả là người sáng tạo kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của bản thân;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho người tạo ra kiểu dáng công nghiệp dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và nếu việc thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp mà tổ chức, cá nhân cùng nhau để sáng tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra một kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó có quyền đăng ký và trong trường hợp tổ chức, cá nhân đều đồng ý.
Người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp cũng là người có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế theo quy định của pháp luật, kể cả trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp đã và nộp hồ sơ đăng ký.
4. Hình thức nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Người nộp đơn có thể lựa chọn giữa hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
5. Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Trình tự đăng ký kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện qua 07 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và phân loại kiểu dáng công nghiệp
Đối với doanh nghiệp muốn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng kiểu dáng công nghiệp đó chưa được sử dụng hoặc công bố trước đó trên bất kỳ phương tiện nào, điều này đảm bảo tính mới của kiểu dáng khi thực hiện đăng ký.
Kiểu dáng công nghiệp có thể đăng ký ở một hoặc nhiều phương án và có thể được đăng ký bằng một hoặc nhiều hình ảnh chụp dưới nhiều góc độ khác nhau. Số lượng phương án và hình ảnh đăng ký càng nhiều thì lệ phí nộp đơn càng cao.
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không đúng, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ tự tiến hành phân loại và yêu cầu người nộp đơn nộp phí phân loại theo quy định (100.000 đồng/01 phân loại).
Bước 2: Tra cứu kiểu dáng công nghiệp
Trước khi nộp đơn đăng ký, việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp là quan trọng để đánh giá khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí của chủ đơn. Việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp này có thể đánh giá được khoảng 80% khả năng bảo hộ của kiểu dáng trước khi tiến hành nộp đơn. Kết quả từ việc tra cứu này sẽ giúp doanh nghiệp ước lượng được khả năng đăng ký thành công và đưa ra quyết định phù hợp.
Bước 3: Nộp đơn Đăng ký Kiểu dáng Công nghiệp
Hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những tài liệu sau đây:
- 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, theo mẫu tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP
- 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp bao gồm các thông tin sau:
- Tên kiểu dáng công nghiệp;
- Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
- Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;
- Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;
- Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;
- Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
- 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ liên quan đến phí và lệ phí theo quy định.
Bước 4: Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Sau khi nhận đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ xem xét các điều kiện về hình thức, ảnh, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân loại,… trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp đủ điều kiện, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và tiến hành đăng công bố đơn. Trong trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ ra thông báo không chấp nhận đơn và yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa đơn. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sửa đổi theo yêu cầu và nộp lại công văn sửa đổi cho Cục Sở hữu Trí tuệ.
Bước 5: Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 02 tháng kể từ ngày có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ như được ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, cùng với hình ảnh và phân loại của kiểu dáng công nghiệp.
Bước 6: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong thời hạn 09-12 tháng kể từ ngày công bố đơn. Cục Sở hữu Trí tuệ tiến xem xét các điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp để đánh giá khả năng cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp của chủ đơn. Trong trường hợp đơn đăng ký đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ phát thông báo dự định cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký.
Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ ra thông báo không cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp đã đăng ký. Trong trường hợp này, chủ đơn có thể xem xét và gửi công văn phản hồi, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ, đồng thời cung cấp các lập luận, căn cứ để yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp.
Bước 7: Cấp văn bằng bảo hộ
Thời hạn cấp văn bằng bổ hộ đăng ký kiểu dáng công nghiệp từ 02 – 03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng. Sau khi quyết định cấp văn bằng được đưa ra, chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn sẽ nộp lệ phí và nhận giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333 Email: luatdanhtieng@gmail.com |