Hiện nay Sàn giao dịch thương mại điện tử là một hình thức kinh doanh ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tại Việt Nam đến năm 2024. Đây đang là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Thực tế, các trang thương mại điện tử đã không ngừng ra đời và phát triển với 4 ứng dụng Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop là phổ biến nhất và liên tục cạnh tranh nhau để vươn lên vị trí cao hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác mới và nổi bật nhất hiện nay đó chính là Sàn thương mại điện tử Temu đang có những hoạt động để “bước” vào thị trường Việt Nam, nổi bật với những sản phẩm có giá rất rẻ. Tuy nhiên, việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có thể xuất phát từ nguyên nhân giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để sản xuất hàng nhái, hàng giả. Đây là vấn đề vẫn gây “nhức nhối” đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và chính với cơ quan quản lý nhà nước. Việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “điêu đứng”, bị thiệt hại nghiêm trọng, có doanh nghiệp phải “kêu cứu” bởi hàng loạt sản phẩm giả thương hiệu của hãng được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đồng thời cũng tác động xấu đến quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng..
1. Tìm hiểu khái niệm về “Nhãn hiệu”
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 (SHTT) thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4).
Chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một tổ chức, cá nhân có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu nhằm phù hợp với nhu cầu kinh doanh từng chủng loại và từng khu vực cụ thể, theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Chế tài xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu
– Đối với trường hợp xử lý hành chính:
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 và Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính Phủ, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
- Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu và ngoài ra có thể bị hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng (Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP);
- Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu và ngoài ra có thể bị hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện hoăc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng (Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Khoản 8 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
– Đối với trường hợp xử lý hình sự:
Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).
- Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Điều 192 BLHS quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các trường hợp được quy định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù, khi có tình tiết sau: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Điều 226 BLHS quy định người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xâm phạm với quy mô thương mại; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng.
Lưu ý: Nếu thực hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu thuộc một trong các trường hợp sau, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Trường hợp hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Như vậy, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
3. Biện pháp để bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa
Để được pháp luật Việt Nam công nhận bảo hộ thì nhãn hiệu hàng hóa thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật. Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt để bảo vệ doanh nghiệp của mình trong tương lai.
Dịch vụ Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và bảo vệ quyền SHCN của Luật Danh Tiếng:
- Tư vấn, tra cứu sơ bộ nhãn hiệu của doanh nghiệp nhằm xác định khả năng đăng ký bảo hộ của nhãn hiệu;
- Tư vấn các dấu hiệu tương tự, trùng lặp, gây nhầm lẫn dẫn tới nhãn hiệu không được cấp văn bằng bảo hộ;
- Tư vấn xác định nhóm, phân nhóm cho nhãn hiệu để tránh bị từ chối về mặt hình thức, nội dung trong quá trình xét nghiệm đơn nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Tư vấn phương án sửa đổi đăng ký nhãn hiệu để có khả năng đăng ký cấp văn bằng cho chủ sở hữu;
- Tư vấn hướng dẫn thời điểm xác lập quyền đối với nhãn hiệu: Theo qui định của pháp luật Việt Nam và một số nước nhãn hiệu chỉ được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây chính là nguyên tắc ưu tiên người đăng ký trước khác với luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và một số quốc gia khác nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở chứng minh ưu tiên người sử dụng trước;
- Tư vấn phạm vi bảo hộ của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Quyền đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung được xác nhận phạm vi bảo hộ theo lãnh thổ quốc gia, tức là nhãn hiệu khi đăng ký bảo hộ tại quốc gia nào sẽ được bảo hộ tại quốc gia đó mà không phải cứ đăng ký một quốc gia đương nhiên được bảo hộ trên toàn thế giới. Do vậy, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh sản phẩm dịch vụ của mình ở các quốc gia khác nhau cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp mình ở các quốc gia đó để hàng hóa, dịch vụ của mình không bị tranh chấp về việc sử dụng nhãn hiệu trong quá trình kinh doanh.
- Đại diện cho khách hàng, doanh nghiệp, chủ đơn là người nước ngoài trong việc nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, ghi nhận sửa đổi, gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam và ở nước ngoài;
- Đánh giá hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, logo độc quyền và khả năng vi phạm các quyền nhãn hiệu, logo đang được bảo hộ ở Việt Nam và ở nước ngoài;
- Thực thi các quyền nhãn hiệu đang được bảo hộ: điều tra, giám sát, thương lượng, hòa giải, khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác xử lý xâm phạm ở Việt Nam và nước ngoài;
- Xử lý vi phạm nhãn hiệu;
- Khiếu nại các vấn đề liên quan đến xác lập, bảo vệ quyền nhãn hiệu;
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333 Email: luatdanhtieng@gmail.com |