Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nền chính trị ổn định và có mức độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng chính vì vậy, nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư (giấy phép đầu tư) của các cá nhân, tổ chức nước ngoài ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không phải mọi ngành nghề đều được tiếp cận và đầu tư tại Việt Nam mà phải dựa trên quy định pháp luật của Việt Nam và các Hiệp ước, Hiệp định quốc tế. 

Trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem xét các vấn đề như: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế, ngành, nghề dự kiến kinh doanh, địa điểm dự kiến thực hiện dự án. Việc xem xét các vấn đề này nhằm đảm bảo các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, các điều kiện này được quy định như sau:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020 và khoản 3 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được cấp GCN ĐKĐT đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

    • Dự án đầu tư không được thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế về đầu tư.
    • Dự án đầu tư phải có địa điểm thực hiện dự án đầu tư và địa điểm này phải được xác định rõ ràng, dựa trên các giấy tờ hợp lệ như quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận thuê địa điểm.
    • Dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có).
    • Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và phải được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có).
    • Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện về số lượng lao động sử dụng (nếu có);
    • Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là những yêu cầu mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư vào các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định danh mục này bao gồm:

    • Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường được quy định tại phần A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP; và
    • Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện được quy định tại phần B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
  • Theo đó, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
    • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế:

                 Ví dụ: Đối với dịch vụ quảng cáo (CPC 871), hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 51% cho đến ngày 1/1/2009. Nhưng kể từ ngày 1/1/2009, không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh.

    • Hình thức đầu tư:

                 Ví dụ: Đối với dịch vụ quảng cáo (CPC 871), nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Theo đó, không cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dưới hình thức thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

    • Phạm vi hoạt động đầu tư:

                Ví dụ: Đối với dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan (CPC 841-845, CPC 849), các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong vòng hai năm kể từ ngày gia nhập WTO. Theo đó, trong vòng 02 năm hạn chế việc tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế này không còn áp dụng nữa.

    • Năng lực của nhà đầu tư và các đối tác tham gia:

                Ví dụ: Đối với dịch vụ kiến trúc (CPC 8671), doanh nghiệp nước ngoài phải là pháp nhân của một Thành viên WTO. Theo đó, hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân.

    • Các điều kiện khác.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ. 

CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG

Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333

Email: luatdanhtieng@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *