THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA XÁC NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Thống kê cho thấy thực trạng cháy nổ hiện nay đang ngày càng diễn biến phức tạp hơn, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại. Đứng trước những báo động đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC), tích cực chủ động trong việc bảo vệ tính mạng bản thân và tài sản, xã hội trước các nguy cơ hiểm họa luôn rình rập. Do đó để giảm thiểu tối đa các thiệt hại do hỏa hoạn gây ra, chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Đối với các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh nói riêng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Bài viết dưới đây Luật Danh Tiếng xin tư vấn một số thủ tục liên quan đến việc đề nghị cấp biên bản kiểm tra đủ điều kiện an toàn về PCCC cho các cơ sở kinh doanh như sau:

Biên bản kiểm tra xác nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC của cơ quan Công an cấp cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc diện quản lý về PCCC là loại giấy tờ có giá trị pháp lý, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về PCCC để tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường.

Đối với các cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc diện quản lý về PCCC theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì cần phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 5. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở

1. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

b) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;

c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

đ) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

e) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

Do đó, biên bản kiểm tra xác nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC là thủ tục bắt buộc. Để được cấp biên bản kiểm tra xác nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC trước hết cơ sở cần trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị PCCC cần thiết; sau đó tiến hành xây dựng hồ sơ quản lý về PCCC tại cơ sở, làm đơn đề nghị kiểm tra nộp đến Cơ quan Cảnh sát PCCC quận/huyện.

Hồ sơ đề nghị cấp Biên bản kiểm tra xác nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC gồm:

  1. Đơn xin kiểm tra an toàn về PCCC
  2. Bản sao giấy phép ĐKKD có công chứng (hoặc đóng dấu công ty);
  3. Hồ sơ quản lý về PCCC tại cơ sở (bao gồm các tài liệu cần có sau):
  • Bảng thống kê phương tiện PCCC;
  • Nội quy PCCC, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Nội quy về sử dụng điện;
  • Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC của các thành viên đã được huấn luyện;
  • Phương án chữa cháy của cơ sở theo mẫu PC 17 ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

Thời hạn giải quyết:

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Cảnh sát PC&CC có thẩm quyền sẽ tổ chức kiểm tra các điều kiện về PCCC đối với cơ sở.

Kết quả thực hiện: Biên bản kiểm tra an toàn về PCCC.

Lệ phí: Không quy định

Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ. 

CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG

Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333

Email: luatdanhtieng@gmail.com

.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *