Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa của nền kinh tế, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam không chỉ dành riêng các tổ chức, doanh nghiệp mà còn mở rộng cho các cá nhân người nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Không ít người đã tạo lập tài sản tại Việt Nam với giá trị không hề nhỏ. Do vậy, khi người nước ngoài chết, việc khai nhận, phân chia tài sản tại Việt Nam của người chết được đặt ra và đôi lúc trở nên khá phức tạp, thậm chí không giải quyết được bởi sự xung đột pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật giữa hai quốc gia. Bài viết sau đây Luật Danh Tiếng xin phân tích và đưa ra một số quan điểm về thủ tục khai nhận di sản thừa kế của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quy định pháp luật Việt Nam về thừa kế
Pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc áp dụng tại Điều 680 Bộ Luật Dân Sự 2015 như sau:
“Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Dẫn chiếu quy định trên, pháp luật Việt Nam vẫn mở rộng quyền thừa kế đối với di sản của người nước ngoài. Khi người chết là người nước ngoài, có hai hệ thống pháp luật sẽ được xem xét áp dụng: một là pháp luật của người chết mang quốc tịch, hai là pháp luật nơi có tài sản. Do đó, cần phải làm rõ các vấn đề sau:
Vấn đề 1: Mở thừa kế của người chết và người chết mang quốc tịch nào? Xác định hàng thừa kế theo quy định và việc phân chia di sản cho những người trong cùng hàng thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi người để lại di sản mang quốc tịch.
Vấn đề 2: Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ được xác định theo pháp luật của nơi có bất động sản đó. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với động sản (tiền trong tài khoản, cổ phiếu, phần vốn góp, xe ô tô…) không quy định rõ ràng sẽ áp dụng luật nào. Tuy nhiên, với quy định trên, có thể giải thích pháp luật của nước nơi người chết mang quốc tịch sẽ được áp dụng.
Nhận thấy quy định pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ, tuy nhiên khi giải quyết các vụ việc thừa kế đối với di sản của người nước ngoài còn phát sinh rất nhiều vướng mắc. Cụ thể một ví dụ như sau:
Ông Jang là người có quốc tịch Trung Quốc. Ông làm việc và có mở một tài khoản tại một ngân hàng tại Việt Nam, trong tài khoản có 200.000 USD. Ông Jang chết không để lại di chúc. Ông có vợ, 01 người con trai, cha, mẹ ruột còn sống. Tất cả những người thừa kế của ông đều là người Trung Quốc và không có phát sinh tranh chấp.
Sau đó người con của ông Jang đã liên hệ với ngân hàng để hỏi các thủ tục có thể rút số tiền của ông Jang ra khỏi ngân hàng. Lúc này ngân hàng yêu cầu những người thừa kế cung cấp một trong hai loại tài liệu sau: (i) Văn bản khai nhận và phân chia di sản thừa kế có công chứng; hoặc (ii) Bản án của tòa án xác định ai là người thừa kế của ông Jang và được nhận bao nhiêu kỷ phần?
Thực tế, không dễ để những người thừa kế của ông Jang có thể có được một trong hai tài liệu trên. Các vướng mắc sau cần phải được giải quyết:
(1) Đối với giải pháp khai nhận và phân chia di sản tại phòng công chứng
Công chứng viên tại Việt Nam sẽ không thể xác định được, theo pháp luật Trung Quốc, ai là người thừa kế hợp pháp của ông Jang và kỷ phần mỗi người thừa kế được nhận. Do đó, công chứng viên sẽ yêu cầu những người thừa kế cung cấp một tài liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Trung Quốc (chẳng hạn tòa án) có nội dung xác định ai là người được quyền thừa kế tiền trong tài khoản của ông Jang tại Việt Nam và mỗi người được thừa kế bao nhiêu. Tài liệu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi cung cấp cho công chứng viên.
Tuy nhiên, khi những người thừa kế về Trung Quốc và yêu cầu tòa án/cơ quan Nhà nước của Trung Quốc phát hành tài liệu như vậy thì lại không được chấp nhận. Lý do là vì tài khoản của ông Jang được mở tại ngân hàng nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tòa án/cơ quan Nhà nước Trung Quốc không thể xác định được tính có thật và tính hợp pháp của tài khoản này theo pháp luật Trung Quốc.
Như vậy, vụ việc khai nhận thừa kế nêu trên như một trái bóng được hai quốc gia đánh qua đánh lại và chưa có điều ước quốc tế chung để giải quyết.
(2) Đối với việc yêu cầu tòa án tại Việt Nam phân chia tài sản
Việc yêu cầu tòa án tại Việt Nam phân chia số tiền trong tài khoản của ông Jang cũng là một giải pháp. Theo quy định tại Điều 667 Bộ Luật Dân sự năm 2015, pháp luật nước ngoài có thể được tòa án tại Việt Nam xem xét áp dụng. Có nghĩa rằng, theo quy định, tòa án Việt Nam có thể xem xét và áp dụng pháp luật của Trung Quốc để xác định ai là người được thừa kế và thừa kế bao nhiêu đối với tài khoản của ông Jang. Tuy nhiên, yêu cầu này của những người thừa kế có thể sẽ bị kéo dài rất lâu mới có câu trả lời.
Giải pháp nào là khả thi?
Trong thực tiễn hành nghề, người viết đã vận dụng các quy định của pháp luật Việt Nam để đưa ra một giải pháp khả thi, được cả công chứng viên và ngân hàng chấp nhận. Xin chia sẻ như sau:
Căn cứ pháp lý:
Căn cứ Khoản 1, Điều 616 Bộ Luật Dân Sự 2015, những người thừa kế có quyền thỏa thuận cử người quản lý di sản.
Điểm a, Khoản 1, Điều 618 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định, người quản lý di sản được quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế.
Như vậy, chỉ cần cử được người quản lý di sản, người này sẽ có thẩm quyền thực hiện giao dịch với ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của ông Jang.
Trình tự thực hiện:
Để xác định hàng thừa kế và những người thừa kế của ông Jang, cần có một bản án/quyết định của tòa án Trung Quốc cho việc phân chia một tài sản nào đó của ông Jang tại Trung Quốc. Nội dung bản án sẽ xác định ai là người thừa kế theo pháp luật của ông Jang.
Những người thừa kế của ông Jang (theo nội dung bản án) sẽ cùng đến phòng công chứng tại Việt Nam để lập một thỏa thuận cử người quản lý di sản. Thỏa thuận này sẽ được công chứng viên tại Việt Nam chứng nhận.
Người được cử quản lý di sản sẽ sử dụng văn bản được công chứng viên tại Việt Nam chứng nhận để làm việc với ngân hàng. Các ngân hàng sẽ chấp nhận tư cách của người được cử quản lý di sản và cho phép thực hiện giao dịch.
Sau khi nhận được tài sản, những người thừa kế sẽ tự phân chia cho nhau hoặc yêu cầu tòa án của Trung Quốc phân chia.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333 Email: luatdanhtieng@gmail.com |