Vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc thành lập và phát triển doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có vốn hoặc góp vốn không đủ thì có thể sẽ gặp một số hạn chế trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức xem nhẹ việc góp vốn và chỉ đăng ký mức vốn tương trưng nhưng chỉ góp khi có nhu cầu sử dụng cho hoạt động công ty. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả phát sinh. Bài viết này sẽ giúp các chủ doanh nghiệp, thành viên góp vốn, cổ đông thấy được tầm quan trọng của việc góp vốn đúng hạn cũng như giá trị pháp lý của việc góp vốn.
1. Vốn điều lệ là gì?
1.1 Khái niệm vốn điều lệ
Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.
Trong đó:
- Vốn điều lệ của công ty hợp danh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do các thành viên hợp danh và tổng giá trị phần vốn góp các thành viên góp vốn cam kết góp vào công ty.
- Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
- Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
- Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
1.2 Đặc điểm của vốn điều lệ
Thứ nhất, vốn điều lệ chỉ xuất hiện ở loại hình công ty. Theo đó, khác với các loại hình công ty, Doanh nghiệp tư nhân không có vốn điều lệ mà chỉ có vốn đầu tư. Thực chất, vốn điều lệ và vốn đầu tư đều là giá trị tài sản mà chủ sở hữu, thành viên của doanh nghiệp đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp, chỉ là tên gọi khác nhau tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Thứ hai, vốn điều lệ giúp xác định mức độ trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên công ty. Theo đó, đối với những công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn thì chủ sở hữu, các thành viên trong công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp hoặc phần vốn đã cam kết góp đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
2. Ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông công ty
2.1 Đối với loại hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Trong trường hợp các thành viên góp vốn không góp hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết thì sẽ bị xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Như vậy, nếu các thành viên không góp đủ vốn thì quyền hạn của thành viên sẽ bị thay đổi dựa trên số vốn thực góp của các thành viên. Trong trường hợp thành viên đăng ký với mức vốn cao, sở hữu trên 65% vốn điều lệ, có quyền biểu quyết đa số các vấn đề của Công ty. Tuy nhiên vì việc không góp đủ vốn đúng hạn dẫn đến số vốn đăng ký bị điều chỉnh tương ứng với số vốn thực góp làm thay đổi tỷ lệ vốn của các thành viên.
Để tránh xảy ra tình trạng này, các thành viên nên cân nhắc mức vốn phù hợp với năng lực tài chính để có thể đăng ký mức vốn phù hợp và đảm bảo góp đúng hạn như đã cam kết.
2.2 Đối với loại hình Công ty TNHH 1 thành viên
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Tuy nhiên, pháp luật không tước quyền chủ sở hữu trong trường hợp không góp vốn hoặc không góp đủ vốn mà chỉ quy định Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.
Theo đó có thể thấy rằng, trường hợp chủ sở hữu không góp vốn hoặc không góp đủ vốn thì không ảnh hưởng đến quyền và Nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra thiệt hại hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính của công ty.
2.3 Đối với loại hình Công ty cổ phần
Trong trường hợp các cổ đông không góp hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết thì sẽ bị xử lý như sau:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Tương tự như đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, đối với công ty cổ phần, cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn quy định thì tỷ lệ vốn sẽ bị điều chỉnh tương ứng sau khi công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn và ảnh hưởng đến quyền của cổ đông nếu cổ đông không góp đủ vốn.
3. Xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không điều chỉnh vốn điều lệ theo số vốn thực góp
Đối với các hành vi góp không đủ vốn nhưng không điều chỉnh vốn theo quy định của Luật Doanh Nghiệp hoặc chưa góp vốn nhưng thực hiện tăng vốn thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt đối với các hành vi sau:
- Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: trong trường hợp công ty chậm trễ trong việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ do các thành viên/chủ sở hữu/cổ đông không góp đủ vốn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ.
- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn: mức phạt tiền từ 30.000.000 VNĐ đến 50.000.000 VNĐ và bị buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập.
- Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: mức phạt tiền từ 20.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ. Hành vi này thường sẽ bị áp dụng xử phạt nếu trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như thay đổi trụ sở, ngành nghề, đại diện pháp luật và ghi nhận trong Biên bản họp HĐTV, ĐHĐCĐ về việc đã góp đủ vốn nhưng trên thực tế chưa góp đủ thì sẽ bị áp dụng hành vi xử phạt này.
Có thể thấy rằng, mức phạt tối đa cho các hành vi góp không đủ vốn và không thực hiện việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ là 100.000.000 VNĐ. Đây không phải là mức phạt quá lớn và thường doanh nghiệp chỉ bị phạt khi tự nguyện thông báo đến cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc bị thanh tra, kiểm tra. Điều này dẫn đến các chủ doanh nghiệp, thành viên, cổ đông xem nhẹ việc tuân thủ quy định pháp luật và chỉ khi có vấn đề nội bộ xảy ra thì sẽ tiến hành thực hiện thông báo điều chỉnh và nộp phạt vi phạm hành chính.
4. Hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, số tiền phạt có thể lên tới 100.000.000 đồng.
Thứ hai, trong trường hợp sảy ra tranh chấp, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cao hơn so với thực tế. Theo quy định với các loại hình doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh), doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký. Ví dụ, doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ, chỉ thực hiện góp vốn 1 tỷ nhưng không đăng ký giảm vốn điều lệ bằng số vốn thực góp; trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý là 10 tỷ thay vì 1 tỷ như số vốn thực góp.
Thứ ba, trong trường hợp kinh doanh có lợi nhuận, hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác doanh nghiệp phải đóng góp ở mức cao hơn so với thực tế. Bên cạnh đó rất dễ sảy ra tranh chấp khi phân chia lợi nhuận giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập, lý do là việc phân chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ vốn góp đăng ký nhưng lại khác so với vốn góp thực tế.
Thứ tư, rủi ro về mặt pháp lý giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên góp vốn dựa trên số vốn thực góp có ý nghĩa rất quan trọng. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông không góp vốn khi đến hạn sẽ không còn là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó doanh nghiệp vẫn công nhận là thành viên hoặc cổ đông hoặc trong một trường hợp khác, nếu một trong số các thành viên hoặc cổ đông phát sinh quan hệ pháp lý với bên thứ ba như cho, tặng, thừa kế, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp … các trường hợp này sẽ dẫn tới các quan hệ pháp lý rất phức tạp khi tỷ lệ phiếu biểu quyết của các thành viên không rõ ràng.
Thứ năm, làm cho môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khi không góp đủ vốn như đã đăng ký, các doanh nghiệp khi tiến hành ký kết hợp đồng với nhau sẽ không tin tưởng vào mức vốn điều lệ doanh nghiệp đã đăng ký, thay vào đó họ sẽ tìm hiểu từ các nguồn thông tin tài chính tin cậy hơn như báo cáo tài chính, hồ sơ năng lực …Đối với cơ quan quản lý nhà nước nếu chỉ nhìn vào số vốn đăng ký sẽ không thấy được quy mô và năng lực thực tế của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách hợp lý.
Thứ sáu, làm phát sinh các tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp như tranh chấp về tư cách thành viên/cổ đông, tranh chấp về định giá tài sản, tranh chấp về chuyển quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền quản lý điều hành doanh nghiệp…..
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333 Email: luatdanhtieng@gmail.com |