CÁC QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Những năm gần đây, các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư và các lĩnh vực khác với các bên tranh chấp đến từ hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam. Vậy khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, về phía các bên tranh chấp và phía trọng tài cần tuân theo nguyên tắc nào để giải quyết tranh chấp một cách hợp pháp và đảm bảo tốt nhất quyền lợi các bên tham gia? Hãy cùng Luật Danh Tiếng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm, đặc điểm của hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại mang các đặc điểm cơ bản sau:

  • Đặc điểm thứ nhất, Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Khi tranh chấp phát sinh, các bên có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một trong những quy định đảm bảo quyền định đoạt của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài phải có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:
    (i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
    (ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
    (iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
    Tuy nhiên, các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của toà án trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác như: Có quyết định của toà án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên; Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài được quy định tại khoản 1 Điều 43, các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngay 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao. Tại Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đưa ra hai loại tranh chấp có thể được áp dụng theo thủ tục trong tài, đó là tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư.
  • Đặc điểm thứ hai, chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều Trọng tài viên. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Bản thân các Trọng tài viên cũng không phải là cán bộ, công chúc, viên chức.
  • Đặc điểm thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.
    Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên. Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng … Các bên có thể thỏa thuận trọng tài về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
    Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Khác với phán quyết của toà án có thể bằng bản án hoặc quyết định (mang tính quyền lực nhà nước) thì phán quyết của trọng tài bằng quyết định nhân danh và vì lợi ích của các bên tranh chấp (không mang tính quyền lực nhà nước). Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Đặc điểm thứ tư, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật.
    Trọng tài là một tiến trình giải quyết tranh chấp có tính riêng biệt. Hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận nguyên tắc trọng tài xử kín nếu các bên không quy định khác. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tính bí mật thể hiện rõ ở nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại. Quy định này có ý nghĩa lớn trong điều kiện cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh và giải quyết được sự quan ngại vì nếu nội dung vụ tranh chấp được công khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

2. Các hình thức trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việctrọng tài thường trực. Theo đó:

  • Trọng tài vụ việc
    Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất, được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Pháp luật về trọng tài của các nước trên thế giới đều ghi nhận sự tồn tại của hình thức trọng tài này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật các nước về hình thức trọng tài này cũng ở mức độ sâu, rộng khác nhau. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. Đặc điểm của trọng tài vụ việc:
    Thứ nhất, trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp. Tính chất “vụ việc” hay “lâm thời” của hình thức trọng tài này thể hiện ở chỗ, trọng tài chỉ được thành lập theo thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp cụ thể giữa các bên. Hình thức trọng tài này chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên, khi giải quyết xong vụ tranh chấp trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
    – Thứ hai, trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành (vì chỉ được thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên) và không có danh sách Trọng tài viên riêng.
    Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
    – Thứ ba, trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng.
    Trọng tài vụ việc chỉ được các bên thành lập khi phát sinh tranh chấp nên quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian cũng như công sức đầu tư vào việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kì một quy tắc tố tụng phổ biến nào (thông thường là quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế).
  • Trọng tài thường trực (trọng tài quy chế)
    Trọng tài thường trực là hình thức trọng tài đặc trưng bởi sự tổ chức chặt chẽ, với hệ thống bộ máy, trụ sở hoạt động đều đặn, thường xuyên. Thông thường sẽ có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng cụ thể. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn và uy tín trên thế giới đều áp dụng mô hình được biết đến dưới các tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế… Tuy nhiên, trung tâm trọng tài là hình thức phổ biến nhất và được tổ chức rộng rãi.
    Theo pháp luật Việt Nam, Trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tại là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở giao dịch ổn định. Trọng tài thường trực là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.

    Đặc điểm của trọng tài thường trực như sau:
    – Trọng tài thường trực được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Các Trung tâm trọng tài là những tổ chức phi chính phủ và không thuộc hệ thống cơ quan nhà nước. Các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, được trang bị con dấu và tài khoản riêng, tồn tại độc lập với nhau. Để có tư cách pháp nhân, Trung tâm trọng tài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm:

    • Được thành lập hợp pháp;
    • Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
    • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
    • Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

– Tổ chức và quản lý tại các Trung tâm trọng tài đơn giản và gọn nhẹ. Mỗi Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu và bộ máy của Trung tâm trọng tài được quy định bởi điều lệ của Trung tâm. Ban điều hành của Trung tâm trọng tài bao gồm Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài bổ nhiệm. Chủ tịch Trung tâm trọng tài đồng thời là Trọng tài viên và Trung tâm trọng tài có danh sách riêng về Trọng tài viên. Các Trọng tài viên này tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.

– Mỗi Trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Lĩnh vực hoạt động được xác định dựa trên khả năng chuyên môn của đội ngũ Trọng tài viên và phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài được thực hiện bởi các Trọng tài viên của Trung tâm. Mỗi Trung tâm trọng tài có danh sách riêng về Trọng tài viên và quá trình chọn hoặc chỉ định Trọng tài viên để tham gia Hội đồng trọng tài hoặc giải quyết vụ tranh chấp chỉ được hạn chế trong danh sách này. Điều này tạo ra sự khác biệt so với quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài vụ việc.

3. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Để được giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cần đáp ứng những điều kiện theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010:

  • Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp;
  • Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
  • Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

4. Ưu – Nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại có những ưu điểm và nhược điểm riêng:

Ưu điểm:

  • Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bạn tranh chấp có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, có quyền chỉ định Trọng tài viên, giúp các bên lựa chọn được Trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp. Qua đó có điều kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, chính xác.
  • Nguyên tắc trọng tài không công khai giúp các bên hạn chế sự tiết lộ các bí mật kinh doanh, giữ được uy tín của các bên trên thương trường. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thành lập theo ý chí các bên, xét xử phục vụ mục đích của các bên không nhân danh quyền lực nhà nước nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Nhược điểm:

  • Trung tâm trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước nên có thể gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp như xác minh, thu thập chứng cứ. Phán quyết của trung tâm trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp.
  • Thỏa thuận trọng tài là điều kiện bắt buộc phải có để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Và cuối cùng là chi phí cho giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khá cao, tùy thuộc vào giá trị tranh chấp. Giá trị tranh chấp càng lớn, số lượng Trọng tài viên càng nhiều thì chi phí giải quyết tranh chấp càng cao.

5. Thủ tục giải quyết tranh chấp Trọng tài thương mại

Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được thực hiện qua các giai đoạn sau:

5.1. Xem xét hồ sơ

Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, cần xem xét hồ sơ để xác định thời hiệu hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài tại Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm phạm.

5.2. Nộp đơn khởi kiện yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

5.3. Luật áp dụng

Theo Điều 14 của Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp đối với từng trường hợp như sau:

  • Trong trường hợp tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài sử dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp;
  • Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật mà các bên đã chọn, nếu không có thỏa thuận về luật áp dụng, Hội đồng trọng tài sẽ tự quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất;
  • Trong trường hợp pháp luật của Việt Nam hoặc pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp, miễn là việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

5.4. Thành lập Hội đồng trọng tài.

Theo Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.

5.5. Hòa giải.

Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nếu hòa giải thành thì lập biên bản và ra quyết định công nhận hòa giải thành như quy định tại Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010.

5.6. Mở phiên họp giải quyết tranh chấp.

Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.

5.7. Phán quyết của Hội đồng trọng tài.

Theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Danh Tiếng. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH DANH TIẾNG

Địa chỉ: Tầng 3, số 372 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0838.612.333 – 0973.231.333

Email: luatdanhtieng@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *